“Không dành cho người bận, người hay dỗi và người không có căn” là những gì mà người Hạ Long đồn nhau về quán cafe Bản Xứ – quán cafe độc lạ nhất Hạ Long.

Trong khi các quán cà phê khác phải cố gắng mở cửa càng nhiều càng tốt, cố xếp khách ngồi càng kín quán càng tốt, bán được càng nhiều đồ càng vui thì Cafe Bản Xứ lại “một mình một đường” với những giá trị và nguyên tắc riêng: “chỉ mở cửa vào giờ hành chính, nghỉ chiều thứ 7 và chủ nhật, chỉ bán ra lượng đồ có hạn tùy theo từng món và từng ngày, với mỗi bàn số lượng món đồ uống bán ra là có hạn mức, không nhận ship hay bán mang về hay chỉ nhận khách nếu khách hàng có thể chấp nhận chờ đợi 40-60 phút cho một món đồ uống…”
Nghe đến đây có lẽ nhiều người sẽ thấy lạ, cho rằng “cá tính” như vậy thì sau một thời gian hoạt động sẽ chẳng “ma” nào mò đến. Nhưng dẫu cho những lời công kích, chê bai vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, Cafe Bản Xứ vẫn đông kín khách vào tất cả những khoảng thời gian quán mở cửa, như một bài toán thách thức cho các đối thủ và những kẻ tò mò.

Để tìm hiểu về câu chuyện ở Cafe Bản Xứ – quán cafe độc lạ nhất Hạ Long, phóng viên của Amazing Hạ Long đã phải xem ngày hoàng đạo, mặc một bộ đồ hợp mệnh và bước ra khỏi nhà theo đúng phong thủy rồi tìm đến với Bản Xứ vào một ngày mưa phùn.
Bước vào cửa quán vừa đúng lúc cậu nhân viên đang vội bước ra nên chúng tôi suýt đâm sầm vào nhau, cậu ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi và nói: “Các chị ơi hết bàn rồi ạ!”
Tôi tiếc nuối chậc lưỡi thầm nghĩ “Có lẽ mình không có căn thật!” , vừa định quay lưng đi về thì chợt liếc thấy “nhà thơ” (biệt danh khách đặt cho chủ quán Bản Xứ) đang miệt mài sau quầy, bèn tiến lại gần thử hỏi : “Bạn ơi! Mình đi chỉ có 2 người thôi và cũng không vội vàng gì, có thể ngồi chờ được, có còn xếp được bàn góc nào không?”
“Nhà thơ” – một anh chàng có vẻ ngoài rất nghệ sĩ, dáng người cao gầy – lúc này mới ngẩng đầu lên nhìn mình, gật đầu mỉm cười chào lịch sự rồi nói: “Sẽ lâu đấy chị! Đang giờ cao điểm của quán, nếu không 2h chiều hai chị quay lại?”
“không sao, mình rảnh mà, ngồi nói chuyện chờ được!” Tôi vội vàng xua tay.
“Vậy hai chị ngồi ở góc bên kia và chịu khó chờ nhé!” – Cuối cùng sau giây lát suy tư thì “nhà thơ” cũng gật đầu đồng ý và bảo nhân viên đưa chúng tôi ra bàn, oder đồ uống rồi ngồi chờ.

Tranh thủ thời gian đợi, tôi hỏi han phỏng vấn đứa bạn “có căn” – một khách hàng lâu năm của Cafe Bản Xứ – xem tại sao nó lại thích quán này đến vậy, bất chấp những quy định kỳ quặc.
“Không phải giống như bún mắng, cháo chửi Hà Nội đâu! Ở đây người ta lịch sự!” Đứa bạn tôi khẳng định. Thế rồi nó bắt đầu kể cho tôi sự tích Cafe Bản Xứ và những câu chuyện độc lạ của “nhà thơ”.
Cậu ấy tên Duy – ấy là cái tên gia đình và bạn bè sẽ gọi – còn khách hàng thì lại gán cho cái nick name “nhà thơ”. Có lẽ bắt nguồn bởi cậu ấy thích làm thơ, sau đó thì là do mỗi status của quán mà cậu ấy tự tay viết đều có cái chất riêng, rất tình, đôi khi lãng mạn bay bổng, lúc lại thất thường tư lự đúng kiểu nhà thơ. Cách Duy chia sẻ khiến người ta cảm nhận được một tâm hồn giàu cảm xúc và tính cách hóm hỉnh. Ai khó tính thì bảo đó là “hấp”, kẻ hóng chuyện thì thấy vui vui mà người đồng âm lại quý mến.
“Ba mẹ muốn tôi đi làm nhà nước giờ hành chính và 8 tiếng một ngày, tôi không thực hiện được trọn vẹn được ước muốn đó nên thôi thì cố gắng làm một nửa. Dù không đi làm nhà nước nhưng cũng chỉ mở cửa quán vào giờ hành chính, dành thời gian cho gia đình, bản thân…” Tôi không còn nhớ chính xác câu chữ nhưng đại ý của cậu ấy trong một status chia sẻ hài hước về việc Bản Xứ chỉ mở cửa giờ hành chính là vậy.
Nếu nói ở Bản Xứ có hai thứ hay khiến người ta phải chờ đợi thì chắc chắn thứ nhất là đồ uống còn thứ hai là status của ông chủ quán, vì mỗi lần thay đổi thời tiết bỗng dưng thấy “up status” thì chắc chắn là có biến, hoặc quán nghỉ với những lý do rất “cạn lời” hoặc là có món mới cần hóng nhanh để qua thưởng thức.
Đồ uống ở Bản Xứ cũng chẳng phải quá thần thánh gì, chỉ là trình bày rất đẹp mắt và lượng rất đầy đặn, đầy đến mức các chị em hay đến ngồi thông trưa gọi một món đồ uống ăn no rồi lấy cớ bỏ luôn cơm để giảm béo. Thi thoảng lại cho ra món mới để thay đổi khẩu vị. Mỗi một món đồ từ hình thức đến khẩu vị đều cảm nhận được người làm đã dành cả cái tâm, chứ không công nghiệp chạy theo sản lượng. Có lẽ đó là lý do mà thời gian chế biến lâu và những ai đợi được thì hầu như cũng chẳng phàn nàn, thậm chí biết là phải đợi nhưng lần sau vẫn sẽ đến. Bởi người ta sẽ chỉ bực dọc khi giá trị trao đi và nhận lại không tương đương.

Những quy định kỳ quặc của Bản Xứ, mới nghe thì thấy lạ, nhưng đến nhiều rồi cảm nhận và suy ngẫm thì nhận ra rằng, có lẽ với Duy “nhà thơ”, cậu ấy muốn giữ được tình yêu với công việc này chứ không chỉ như một công cụ kiếm tiền, coi Bản Xứ như một cầu nối để chia sẻ giá trị tâm hồn của mình với mọi người và mong muốn nhận lại sự trân trọng tương xứng. Rằng giữa dòng đời xô bồ và vội vã này, hãy nhớ đến Bản Xứ như một nơi để thi thoảng bạn có thể cho phép mình sống chậm lại, tận hưởng giá trị khi còn có thể hít thở oxy và suy ngẫm những gì còn bỏ lỡ.